TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU
ĐỀ ÁN: THÀNH LẬP QUẬN GIA LÂM VÀ CÁC PHƯỜNG THUỘC QUẬN GIA LÂM, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Huyện Gia Lâm có 116,64 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 309.353 người (đã bao gồm dân số tạm trú quy đổi); có 22 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 02 thị trấn và 20 xã. Nằm ở cửa ngõ phía Đông của thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm đã nỗ lực tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các tỉnh thành, các trung tâm kinh tế lớn như: quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, quốc lộ 3 mới (tuyến Hà Nội - Thái Nguyên), quốc lộ 5B kết nối tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng,... Ngoài ra, hệ thống đường thuỷ qua các con sông Hồng, sông Đuống và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giao thương hàng hóa, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để phát triển một nền kinh tế đa dạng.
Được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế,... gắn với các ngành công nghiệp, công nghệ cao theo hướng quốc lộ 5 và quốc lộ 1A. Sau nhiều năm nỗ lực, thực hiện chủ trương thu
hút đầu tư có chọn lọc, đến nay hệ thống mạng lưới các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện ngày càng phát triển như: CCN Phú Thị, CCN thực phẩm Hapro, CCN Ninh Hiệp,… Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều làng nghề thủ công, truyền thống lâu đời nổi tiếng điển hình như: làng gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan; may da, dát vàng Kiêu Kỵ; làng nghề thuốc bắc, mứt sen Ninh Hiệp;… Sự phát triển mạnh mẽ từ các khu, cụm công nghiệp cũng như các làng nghề thủ công truyền thống đã tạo ra nguồn việc làm ổn định, giải quyết nguồn lao động dư thừa tại địa phương và thu hút nguồn lao động từ các khu vực lân cận đến làm ăn, sinh sống, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2022, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, do Đại dịch Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid tăng nhanh sau dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraina; giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao; việc sản xuất, lưu thông và luân chuyển hàng hóa, phục hồi kinh tế - xã hội cũng gặp khó khăn đã gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên với sự đồng hành, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương, hoạt động điều hành phát triển kinh tế - xã hội cơ bản được đảm bảo, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư vào địa bàn tăng nhanh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm trở lại đây theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ và công nghiêp - xây dựng; giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2022 (theo giá hiện hành) huyện Gia Lâm đạt 21.981,6 tỷ đồng, tăng 10,52% so với năm 2021. Trong đó, ngành thương mại - dịch vụ đạt 9.388,36 tỷ đồng, chiếm 42,71%; ngành công nghiêp - xây dựng đạt 11.036,61 tỷ đồng, chiếm 50,21%; ngành nông - lâm - thủy sản đạt 1.556,63 tỷ đồng, chiếm 7,08%.
Bên cạnh việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế được giao, huyện Gia Lâm còn chú trọng, tập trung xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm đã định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; gắn kết giữa Quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị; đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; phát huy vai trò, chức năng của đô thị trong mối liên hệ vùng và nội vùng. Huyện đã huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng, tập trung chỉnh trang đô thị, bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh; xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước các khu dân cư tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ. Đến nay, mạng lưới giao thông tương đối đồng bộ hoàn chỉnh, các tuyến đường được chỉnh trang với hệ thống chiếu sáng hiện đại đáp ứng được công năng đô thị hiện đại. Những khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành và kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng của huyện, như: khu đô thị Vinhome Ocean Park, khu đô thị Đặng Xá 1, khu đô thị Đặng Xá 2, ... Diện mạo đô thị khang trang và thay đổi mạnh mẽ; công tác chăm sóc y tế, giáo dục đào taọ phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; công tác xoá đói giảm nghèo được quan tâm chú trọng, giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn huyện đã không còn hộ nghèo.
Gia Lâm là nơi có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, tự hào của quê hương Đức Thánh Gióng và Đức Chử Đồng Tử - hai vị thánh trong “Tứ bất tử” theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Gia Lâm gắn liền với tên tuổi của Hàng Thái Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan, Ngọc Hân Công chúa, Cao Bá Quát và nhiều anh hùng khác mà công tích của họ đã góp phần viết lên chang sử chói lọi của dân tộc. Trên địa bàn huyện có 320 di tích lịch sử văn hóa và điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến. Trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng (gồm 10 địa điểm), 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 86 di tích xếp hạng cấp thành phố; 20 điểm gắn biển sự kiện cách mạng kháng chiến, nổi bật phải nhắc đến: Đền Phù Đổng, cụm di tích Đền - Chùa Bà Tấm (xã Dương Xá), cụm di tích Đình-Đền - Chùa Sủi (xã Phú Thị), Đình Xuân Dục (xã Yên Thường), Đình Công Đình (xã Đình Xuyên), Đình Trân Tảo (xã Phú Thị), cụm di tích Đình - Đền - Chùa Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ)...cùng với đó là hệ thống di sản văn hoá phi vật thể với 100 lễ hội truyền thống với những nét đặc trưng riêng có như lễ hội Đền - Chùa Bà Tấm, lễ hội Chùa Nành, lễ hội Chùa Keo, lễ hội Đình - Đền - Chùa Sủi (hay còn gọi là Lễ hội Bông Sòng)... trong đó tiêu biểu là Lễ hội Gióng, xã Phù Đổng đã được Tổ chức giáo dục văn hoá khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, 03 di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia: Lễ hội Đình Chử Xá (xã Văn Đức), Nghề gốm làng Bát Tràng (xã Bát Tràng), Nghề Dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ)... đã và đang là niềm tự hào của người dân Gia Lâm.
Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế,… đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp thoát nước, điện, nhà ở xã hội, quản lý về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, thương mại du lịch, hộ khẩu và các thiết chế xã hội,… đối với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn hiện nay của huyện. Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Gia Lâm nói riêng cũng như lợi ích của thành phố Hà Nội nói chung, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội. Do đó, việc thành lập quận Gia Lâm sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; khai thác được tối đa lợi thế kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của người dân.
Chính vì vậy, việc thành lập quận Gia Lâm là phù hợp với các quy định hiện hành, xứng đáng với vị thế, vai trò chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua; phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và đảm bảo định hướng theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc gia đoạn 2021 - 2030. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ được nâng cao, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện và trong khu vực; phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương. Đồng thời, việc thành lập quận Gia Lâm không làm mất đi vị thế chiến lược của huyện mà còn củng cố hơn nữa cho Gia Lâm trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trong tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của đô thị. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi giúp khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để Gia Lâm góp phần cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương...
Ngoài ra, việc thành lập quận Gia Lâm có ý nghĩa rất lớn, đây chính là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân luôn mong muốn xây dựng một Gia Lâm văn minh, giàu mạnh; là sự ghi nhận của các cấp, các ngành từ Trung ương đến thành phố về sự phát triển lớn mạnh của Gia Lâm; là sự cổ vũ, niềm tự hào của Nhân dân Gia Lâm và là động lực to lớn đánh dấu bước phát triển của Gia Lâm trong giai đoạn mới.
Thực hiện chủ trương, tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; trong quá trình xây dựng Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm đã tiến hành rà soát các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, một số các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Được sự đồng ý của các cấp ủy, chính quyền và các cấp có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm chủ động tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc với phương án như sau:
- Nhập xã Yên Viên với thị trấn Yên Viên để thành lập phường mới.
- Nhập xã Kim Lan với xã Văn Đức để thành lập phường mới.
- Nhập xã Đình Xuyên với xã Dương Hà để thành lập phường mới.
- Nhập xã Phù Đổng với xã Trung Mầu để thành lập phường mới.
- Nhập xã Kim Sơn với xã Phú Thị để thành lập phường mới.
- Nhập xã Đông Dư với xã Bát Tràng để thành lập phường mới.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo phương án nêu trên đã đảm bảo sự đồng nhất của các đơn vị hành chính (ĐVHC) sau khi thực hiện sắp xếp về các yếu tố như: truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân tốt hơn và đã được đa số ý kiến người dân trên địa bàn đồng tình ủng hộ.
BẢN ĐỒ
Văn bản chỉ đạo của đảng ủy
- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ PHÙ ĐỔNG TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ NHẤT, NHIỆM KỲ 2021-2026.
- Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ
- Hướng dẫn số 05-HD/HU ngày 27/02/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy
- Thông báo tuyển dụng công chức theo hình thức tiếp nhận không qua hình thức thi tuyển cơ quan...
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ đợt 2, năm 2019 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ...
văn bản chỉ dạo của HĐND
- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ PHÙ ĐỔNG TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ NHẤT, NHIỆM KỲ 2021-2026.
- Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ
- Hướng dẫn số 05-HD/HU ngày 27/02/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy
- Thông báo tuyển dụng công chức theo hình thức tiếp nhận không qua hình thức thi tuyển cơ quan...
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ đợt 2, năm 2019 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ...
Văn bản chỉ đạo của UBND
- THÔNG BÁO CÔNG KHAI KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT HUYỆN GIA LÂM NĂM 2023
- THÔNG BÁO CÔNG KHAI KẾT QUẢ XÉT DUYỆT NGƯỜI LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO DỊCH COVID-19 (ĐỢT 1/2021)
- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ PHÙ ĐỔNG TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ NHẤT, NHIỆM KỲ 2021-2026.
- Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ
- Hướng dẫn số 05-HD/HU ngày 27/02/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy